Nguyễn Nguyệt Anh, 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại Đại học British Columbia (UBC), Canada, và hiện là nhân viên phân tích dữ liệu lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học của một công ty tư vấn môi trường ở thành phố Vancouver. Trước khi giành học bổng thạc sĩ, Nguyệt Anh là cử nhân xuất sắc chương trình tiên tiến của Đại học Lâm nghiệp, với GPA 3.85/4.0. Em chia sẻ phương pháp học giúp đạt kết quả tốt.
1. Xác định mục tiêu cả kỳ học, phân nhóm các môn học
Theo Nguyệt Anh, xác định rõ mục tiêu chung của toàn bộ kỳ học rất quan trọng, giúp bạn định hình mục tiêu, từ đó tìm ra phương pháp phù hợp.
Em thường xác định xem kỳ này sẽ học bao nhiêu môn gồm chuyên ngành và tự chọn; bao nhiêu hoạt động ngoại khóa có thể tham gia? Từ việc ước lượng này, Nguyệt Anh tiến hành phân nhóm các môn học và hoạt động xã hội.
Ví dụ, môn chuyên ngành nặng, cần đào sâu, chú trọng và dành nhiều thời gian hơn, trong khi môn tự chọn, Nguyệt Anh cân đối thời gian, không tạo thêm sức ép cho bản thân nhưng có chiến lược học rõ ràng ngay từ đầu kỳ – tránh bị điểm thấp sẽ kéo GPA tụt xuống. Em cũng chia hoạt động xã hội thành hai loại: hoạt động tham gia chính và tham gia phụ, không ôm đồm và sa đà vào quá nhiều hoạt động cùng lúc.
“Nguyên tắc vàng của em là ‘make it relevant’ – tức là chọn lọc hoạt động liên quan đến chuyên ngành và sở thích, thay vì chọn thật nhiều rồi không hoàn thành trách nhiệm”, Nguyệt Anh nói.
2. Xác định yêu cầu của môn học và hoạt động
Sau khi đã có được bức tranh của cả kỳ học, bao gồm các môn và hoạt động xã hội/phát triển bản thân được chia nhóm, cùng mục tiêu cho mỗi nhóm, Nguyệt Anh sẽ xác định yêu cầu cụ thể của từng môn và hoạt động. Mục đích chính của việc này là làm bước đệm, đưa ra phương pháp và ước lượng thời gian phù hợp.
Cựu sinh viên Đại học British Columbia (UBC), Canada, sử dụng mô tả môn học hoặc syllabus (nếu có) để biết sẽ phải nộp bao nhiêu bài tập, có bao nhiêu bài kiểm tra lớn/nhỏ, mỗi bài chiếm bao nhiêu % tổng số điểm toàn môn học.
Nguyệt Anh chia các môn theo hai nhóm chính: nặng về lý thuyết/định nghĩa/đọc hiểu và nặng về logic, thực hành. Với mỗi loại, em sẽ chọn ra phương pháp học hiệu quả nhất.
“Điểm mấu chốt cho tất cả phương pháp học là học để hiểu, không phải học theo dạng bài hay đề thi từ những năm trước. Nếu có thể hiểu, bạn có xu hướng thích học hơn”, Nguyệt Anh nói.
Thạc sĩ 27 tuổi thường phân loại các hình thức bài thi/kiểm tra theo các nhóm như viết closed book (không được đem theo tài liệu tham khảo vào phòng thi), viết open book (được sử dụng tài liệu tham khảo), trắc nghiệm hoàn toàn, trắc nghiệm kết hợp một vài câu hỏi yêu cầu trả lời bằng đoạn văn/câu trả lời ngắn, vấn đáp, thuyết trình và bài tập lớn kết hợp thuyết trình.
Theo Nguyệt Anh, bước xác định yêu cầu cụ thể của các môn học giúp bạn không rơi vào trạng thái lơ mơ. Em gợi ý nên tạo sơ đồ cụ thể cho từng môn rồi kết nối các môn với nhau để tạo ra timeline (mốc thời gian) tổng thể cho cả kỳ học.
3. Xác định phương pháp phù hợp
Nguyệt Anh vận dụng hai yếu tố trong SWOT Analysis (mô hình tập hợp phân tích yếu tố môi trường bên ngoài và yếu tố nội bộ trong kinh doanh của doanh nghiệp) là S (điểm mạnh của phương pháp) và W (điểm yếu của phương pháp).
“Nếu một phương pháp có điểm mạnh nhiều hơn hẳn điểm yếu, và phù hợp với tính cách/sở thích của bạn thì đó là phương pháp học tiềm năng”, Nguyệt Anh nói.
Để tìm ra phương pháp phù hợp nhất, em thử nhiều cách khác nhau và quan sát xem phương pháp nào khiến mình thoải mái, có thể học tốt nhất. Một số phương pháp được Nguyệt Anh áp dụng có hiệu quả như:
– Paraphrasing and reflecting: Hãy trả lời hai câu hỏi, rằng nếu bạn phải giải thích khái niệm, ý chính nào đó trong bài học cho một người khác chuyên ngành, bạn sẽ giải thích ra sao; và điều bạn đọc được có liên quan gì đến thứ bạn đã học. Phương pháp này hữu dụng với những môn thiên lý thuyết, cần hiểu nhiều về khái niệm và kết nối khái niệm với nhau.
– Structured notes: Tạo thói quen ghi chép và phân loại chủ đề đã học. Cách này giúp người học hiểu và nhớ kiến thức một cách dễ dàng mà không cần phải “học nhồi nhét”.
– Cheat sheets: Đọc lướt/đọc quét những gì được học/cần học trước khi bắt đầu đọc và tạo nên một dạng bảng tóm tắt ngắn gọn để biết chủ đề, công thức, định nghĩa nằm ở đâu.
– Creating examples: Liên kết những điều quan trọng học được trong mỗi môn học/bài thực hành vào đời sống thực tế – chuẩn bị ví dụ điển hình cho mỗi khái niệm, chủ đề.
– Practice makes perfect: Thực hành và ghi lại quá trình để có thể rút ra ưu nhược điểm, sau đó cải thiện và tiếp tục thực hành.
– Take on the role of teacher: Phương pháp này liên quan tới Paraphrasing and reflecting tuy nhiên tập trung sâu hơn vào việc bạn có thể đặt mình vào vị trí của một người dạy. Tức là bạn hiểu vấn đề tới mức giải thích cặn kẽ và hướng dẫn được bạn cùng lớp làm một số bài tập và trả lời câu hỏi sâu về chủ đề đó.
4. Phân bổ thời gian dựa trên năng lực bản thân
Sau khi xác định được mục tiêu của bản thân, của môn học và có phương pháp, Nguyệt Anh đã có sơ đồ toàn cảnh và chi tiết cho kỳ học. Vì vậy, ở bước này, em phân bổ thời gian một cách thực tế cho từng mục tiêu/nhiệm vụ xét trên những phương diện sau:
– Hiệu suất/tốc độ làm việc của bản thân cho một loại hình công việc nhất định.
Ví dụ, bạn học những môn liên quan đến tính toán nhanh, nhưng chậm những môn liên quan đến viết luận, bạn cần biết rõ để điều chỉnh sao cho phù hợp.
– Thói quen trì hoãn của bạn
– Giới hạn chịu đựng về mặt thể chất và tinh thần của bạn
– Trong trường hợp khẩn cấp, liệu bạn có thể nói “không” với bao nhiêu nhiệm vụ mà bạn đã liệt kệ ra trong bản kế hoạch trên
5. Xem xét kỹ kế hoạch, lược bỏ phần không cần thiết hoặc quá sức
Nguyệt Anh thường nhắc bản thân “lượng sức mình”. Sau khi có kế hoạch, em thường xem xét lại khoảng một lần mỗi tháng hoặc tùy theo tốc độ và khối lượng công việc trong một kỳ.
“Những gì bạn vạch ra 1-2 tháng trước có thể thay đổi khi bắt đầu bước vào kỳ học thực tế. Vì vậy, bước này dài hơi và lặp lại nhiều lần từ đầu tới cuối kỳ. Bạn nên giữ một vòng tròn: tạo kế hoạch – thực hiện và xem lại – cập nhật và cải thiện – tiếp tục”, Nguyệt Anh khuyên.
Bên cạnh việc học hiểu, bạn nên biết quan sát phong cách dạy và chấm bài của các thầy, cô, trợ giảng, để thích nghi. Điều này thực tế và không có nghĩa bạn đánh mất bản thân, mà là biết cách điều chỉnh khéo léo câu trả lời, nội dung của mình để phù hợp với kỳ vọng của người dạy, chấm điểm.
Ngoài ra, Nguyệt Anh luôn dành ra những quãng nghỉ ngắn cho bản thân. Nếu cảm thấy ngột ngạt, bí bách và cạn ý tưởng, bạn có thể dành 15-20 phút nghỉ để đi dạo, sau đó trở lại làm việc.
“Một điều cực kỳ quan trọng nữa là ngủ đủ giấc. Duy trì được thói quen ngủ đủ giấc là nền tảng tốt nhất để làm việc và học tập hiệu quả”, thạc sĩ Khoa học Lâm nghiệp Môi trường của UBC nói.
Nguồn: VnExpress