Nền giáo dục Vương quốc Anh là một trong những nền giáo dục được đánh giá cao và có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục toàn thế giới. Hiện nay, hệ thống giáo dục Vương quốc Anh được chia ra theo 2 hệ thống khác nhau. Hai hệ thống giáo dục song song tồn tại ở Vương quốc Anh bao gồm: hệ thống giáo dục chung của 3 vùng lãnh thổ Anh, xứ Wales và Bắc Ireland, và hệ thống giáo dục riêng của Scotland.. Nhưng hai hệ thống này đều có mối tương tác gắn kết với nhau và phải đạt chuẩn mực nhất định. Đầu tư vào giáo dục của Anh là đầu tư chuẩn. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều sinh viên quốc tế đến Anh theo học và trải nghiệm một trong những nền giáo dục đẳng cấp thế giới này.
Từ sơ đồ trên ta có thể thấy có sự khác biệt khá lớn của hệ thống giáo dục Anh so với các hệ thống giáo dục khác trên thế giới. Tại Anh, hệ thống giáo dục được linh hoạt hơn rất nhiều với nhiều bậc học và thời gian học khác nhau, không có bậc học Trung học cơ sở mà chỉ có Tiểu học (từ 5-10 tuổi) và Trung học phổ thông (từ 11-15 tuổi). Sau Trung học phổ thông là các bậc học nâng cao với nhiều sự lựa chọn đa dạng cho sinh viên (dự bị đại học, chứng chỉ A, Tú tài quốc tế) với những kế hoạch tương lai của mình. Bậc học đại học và thạc sĩ cũng được rút ngắn hơn so với hệ thống giáo dục tại Việt Nam (Đại học 3 năm, Thạc sĩ 1 năm).
Như vậy, nhìn tổng quan vào hệ thống giáo dục Anh, chúng ta có thể thấy được theo đuổi xong bậc Đại học thì sinh viên ra trường sẽ sớm hơn so với ở Việt Nam ít nhất 2 năm. Đây cũng là cơ hội để có thể giúp sinh viên trải nghiệm thực tế sớm hơn và có thể bắt đầu công việc sớm hơn so với hầu hết các bạn sinh viên trên thế giới.
Giáo dục Tiểu học đến Trung học
Giáo dục cho trẻ em mẫu giáo (Nursery) là hình thức giáo dục không bắt buộc; bắt đầu tham gia ở lứa tuổi 3 hoặc 4 tuổi.
Chương trình tiểu học bắt đầu từ 5-10 tuổi, chia ra làm 2 giai đoạn” infant” và “junior”. Giai đoạn Infant kéo dài trong 2 năm từ 5-6 tuổi và giai đoạn Junior kéo dài trong 4 năm từ 7-10 tuổi.
Chương trình trung học bắt đầu từ 11-15 tuổi. Ở bậc học này có 2 loại trường: Trường công lập và trường tư thục. Cả 2 loại trường đều chuẩn bị cho học sinh lấy bằng THPT (GCSE/ IGCSE) hay chứng chỉ giáo dục Scotland (SCE). Chứng chỉ GCSE của từng môn có thang điểm từ A* là cao nhất đến G là thấp nhất.
Trường công lập được nhà nước cung cấp giáo dục miễn phí. Các trường công lập thường không nhận học sinh quốc tế. Trường tư thục nhận học sinh quốc tế học tập nội trú hoặc ở với chủ nhà người bản xứ (homestay).
- Chứng chỉ A-level (18-24 tháng): đây là con đường truyền thống để vào ĐH tại Anh. Học sinh sẽ chọn học 4 môn liên quan đến chuyên ngành sẽ học ở bậc ĐH và tối đa học sinh có thể chọn học 5 môn. Nhiều trường ở UK có thể cung cấp tới hơn 40 môn học để học sinh lựa chọn học 4 môn. Năm đầu của A level gọi là AS, học sinh học 4 môn, Năm thứ 2 gọi là A2, học sinh có thể bỏ 1 môn và chỉ học 3 môn. Học sinh nào muốn vào các trường top như Oxford, Cambridge … thì nên giữ cả 4 môn hoặc cá biệt sẽ có học sinh học tới 5 môn. Khi đăng kí Đại học, học sinh sẽ chọn ngành liên quan tới các môn A-level và được chọn 5 trường trong UCAS (Universities & Colleges Admission Service) – là 1 tổ chức có hệ thống liên thông với các trường ĐH ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland để giúp các trường tuyển sinh. Chỉ đến khi có điểm A2 (năm cuối A level) thì học sinh mới biết được mình có được trường Đại học mình nhắm tới nhận hay không vì các trường cấp thư mời cho học sinh dựa vào điểm AS nhưng có điều kiện học sinh phải đạt điểm trong A2 là bao nhiêu mới chính thức được nhận.
- Tú tài Quốc tế (IB): chương trình kéo dài 2 năm và có thể thay thế cho chương trình A-level. Theo chương trình này, học sinh cần học tổng cộng 6 môn trong đó 3 môn ở mức độ chuyên sâu (Higher level) và 3 môn ở mức độ tiêu chuẩn (Standard level).
- Sinh viên quốc tế không học ba chứng chỉ trên có thể lựa chọn học khóa Foundation Course và Diploma Course để được nhận vào các trường Đại học.
- Sau khi hoàn thành các khóa Dự bị Đại học này, học sinh có thể tiếp tục học Đại học hoặc có nhiều sự lựa chọn khác để lấy chứng chỉ sau Trung học hoặc chứng chỉ nghề.
Đại học
Chương trình Đại học ở Anh kéo dài 3 – 4 năm, kết thúc chương trình, học sinh được cấp bằng Cử nhân (ordinary bachelor) hay bằng cử nhân danh dự (honours bachelor degree). Các năm học được chia thành hai đến ba học kỳ. Các chương trình ĐH có bao gồm thực tập tại các doanh nghiệp thường kéo dài thêm 1 năm và được biết đến như những khóa học xen kẽ thực tập (sandwich courses). Thời gian của các khóa học về Y khoa, Dược và Kiến trúc thường kéo dài hơn, ít nhất là 5 năm.
Bạn có thể cần phải học khóa học Dự bị thạc sĩ nếu như bằng cấp của bạn hoặc kỹ năng tiếng Anh của bạn chưa đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu cho bằng thạc sĩ Vương quốc Anh. Khóa này kéo dài một kỳ hoặc một năm. Nhiều khóa học Dự bị thạc sỹ sẽ bảo đảm bạn có thể tiếp tục học thạc sĩ tại một trường đại học nhất định.
- Thạc sỹ lên lớp: Kéo dài 1 năm, chia làm 2 phần: nghiên cứu trên lớp và viết luận văn tốt nghiệp.
- Thạc sỹ nghiên cứu: Dành cả 1 năm để nghiên cứu và điểm tổng kết cuối cùng được quyết định dựa vào chất lượng của luận văn bạn nộp.
- MBA: Khóa học Thạc sỹ kinh doanh dựa trên giảng dạy chuyên sâu và sẽ thực sự đem đến cơ hội phát triển trên cấp quản lý.
Chương trình Thạc sỹ tại Anh là một trong những chương trình thu hút du học sinh Việt Nam nhất bởi thời gian học tập ngắn gọn và bằng cấp được công nhận toàn thế giới.
Tiến sỹ
Kéo dài 3 hoặc 4 năm thực hiện đề tài nghiên cứu. năm cuối, nộp bài luận văn tốt nghiệp. Khóa học Tiến sỹ được đào tạo theo hình thức mới bao gồm một số nội dung được giảng dạy cũng như đề tài nghiên cứu và sẽ cho sinh viên cơ hội thực hiện nghiên cứu liên ngành. Bài luận cuối khóa sẽ khoảng 100.000 từ.
Hệ đào tạo A level và Thạc sỹ là hai chương trình “rất đắt khách” tại Vương quốc Anh dành cho các bạn học sinh quốc tế.