• 0916 653 868
  • 0913 99 8668
  • info@ilueducation.com
HỆ THỐNG GIÁO DỤC MỸ

Nền giáo dục Hoa Kỳ luôn được cả thế giới công nhận về chất lượng giáo dục, sự hiện đại và cầu thị trong việc cập nhật các phương pháp học tập gắn với những công nghệ tân tiến nhất. Bản chất của các chương trình học tại Mỹ là dựa trên sự giảng dạy và tương tác với thực tế nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức vượt ra ngoài lĩnh vực nghiên cứu. Chính bởi thế mà nền giáo dục Mỹ luôn tập trung hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh – sinh viên.

Giáo dục Hoa Kỳ chủ yếu là nền giáo dục công do Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ điều hành và cung cấp tài chính. Trẻ em ở Hoa Kỳ bắt buộc phải đi học, nhưng khoảng độ tuổi theo yêu cầu thì thay đổi tùy theo tiểu bang. Hầu hết trẻ em bắt đầu chương trình giáo dục tiểu học sau khi xong mẫu giáo (thường là 5 hoặc 6 tuổi) và hoàn thành chương trình giáo dục trung học sau khi học xong lớp 12 (thường vào lúc 18 tuổi).

Hệ thống giáo dục Mỹ

Giáo dục Tiểu học đến Trung học
Giáo dục bắt buộc – thường kéo dài 5 hoặc 6 năm tùy từng chính sách của tiểu bang. Giáo dục bậc tiểu học là miễn phí.  Ở 1 vài tiểu bang, trường tiểu học dạy đến lớp 5; ở những nơi khác, thì dạy đến lớp 6. Sau đó, học sinh học tiếp 3 năm cấp Trung học cở sở. Giáo dục cấp này cũng là miễn phí.

Giáo dục trung học phổ thông tại Mỹ bắt đầu từ lớp 9 đến lớp 12. Hệ thống trường Mỹ được chia thành: Công lập và Tư thục.

Trường Trung học công lập
Mỗi năm có khoảng 49 triệu học sinh nhập học vào các trường trung học công lập tại Mỹ. Trừ những học sinh trường tư thục hoặc học sinh được áp dụng những chính sách đặc biệt, đa số các học sinh Mỹ học tại các trường trung học công lập trong khu vực cha mẹ hoặc người giám hộ sinh sống, vì học sinh đi học được hỗ trợ tài chính và có hệ thống bus đưa đón.

Đối với các học sinh quốc tế, học sinh trung học có thể xin visa theo diện F1 hoặc J1 mà mỗi loại visa có tính chất đặc điểm riêng.

Trường Trung học Tư thục
Mỗi năm có khoảng 6 triệu học sinh nhập học vào các trường tư thục. Hiện có hơn 10,000 trường khối trung học tư thục, chiếm hơn tổng 25% số trường tại Mỹ. Đối với các trường Tư thục, sẽ dễ dàng lọc ra các tiêu chí để lựa chọn trường như chất lượng giáo dục, chất lượng sinh viên tốt nghiệp và mức học phí phù hợp.

Đại học
Sau khi hoàn tất bậc trung học, các du học sinh Mỹ và sinh viên bản địa có ba lựa chọn trường phổ biến:
  • Cao đẳng cộng đồng (Junior/Community College): học sinh sẽ học hai năm tại các trường Cao đẳng này và khi hoàn tất được nhận bằng Associate degree và đi làm. Cũng có trường hợp khác, sau khi hoàn thành chương trình 2 năm, học sinh có thể chuyển tiếp lên một trường Đại học và học thêm 2 năm nữa để lấy bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree). Điều đặc biệt là trường Cao đẳng cộng đồng chấp nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp 11, do đó học sinh có thể tiết kiệm được 1 năm học so với các bạn cùng trang lứa.
  • Cao đẳng hệ 4 năm (College): Lưu ý rằng college ở Mỹ không có nghĩa là cao đẳng, bởi các trường college hệ 4 năm ở Mỹ cũng tương tự như các University – được phép tổ chức giảng dạy các chương trình đại học cấp Bằng Cử nhân B.A (Bachelor of Arts) hoặc B.S (Bachelor of Science). Sự khác biệt duy nhất ở College và University là University có thể giảng dạy và nghiên cứu bậc sau đại học, còn College thì chỉ được phép cấp bằng đại học trở xuống. Vậy là học sinh có thể lựa chọn lấy bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree) tại trường College với chi phí thấp hơn so với học tại một trường University.
  • Đại học (University): Học sinh học 4 năm và nhận bằng Cử nhân (Bachelor’s Degree). Các trường đại học (University) là loại hình được biết đến nhiều nhất ở Mỹ, chuyên đào tạo các chương trình trải dài từ dự bị đại học, Cử nhân, và sau cử nhân (bao gồm Thạc sĩ, Tiến sĩ hay thậm chí là Sau Tiến sĩ). Hai năm đầu ĐH thường là chương trình đại cương. Đến năm thứ 3, sinh viên lựa chọn chuyên ngành mà mình muốn theo đuổi. Nhưng tại Mỹ, thì sinh viên có thể thay đổi nhiều lần chuyên ngành để tìm được lĩnh vực thật sự phù hợp. Tuy nhiên, đổi lại sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền của.

Sau Đại học
Thạc sỹ
Sinh viên thường mất 2 năm để hoàn thành bằng Thạc sỹ. Phần lớn các chương trình Thạc sỹ yêu cầu nghiên cứu và làm luận văn và bảo vệ trước Hội đồng khoa học để tốt nghiệp.

Đối với một số chương trình Thạc sỹ kinh doanh, sinh viên cần đáp ứng yêu cầu GMAT/GRE; chương trình Luật thì phải thi LSAT, và Y khoa thì MCAT.

Tiến sỹ
Mất khoảng 3 đến hơn 3 năm để hoàn thành chương trình Tiến sỹ: hai năm đầu học tập trên lớp và tham gia thuyết trình. Năm thứ 3, bước vào giai đoạn nghiên cứu và hoàn thành Luận án. Nghiên cứu sinh Tiến sỹ gần như được xem là một thành viên của cộng đồng khoa học. Điều này yêu cầu những người này phải viết về các đề xuất xin tài trợ, viết và cộng tác các bài báo khoa học, tham dự và phát biểu tại các hội nghị.

Nghiên cứu sau Tiến sỹ (Post Doc)
Là một hướng đi được nhiều nghiên cứu sinh lựa chọn bởi trải nghiệm này rất tốt cho hồ sơ xin việc làm giảng viên chính thức tại các trường Đại học/Cao đẳng danh tiếng. Yêu cầu nhập học vào các chương trình này là ứng viên đã thực hiện nhiều bài nghiên cứu có chất lượng, được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Thời gian làm nghiên cứu sinh thì tùy từng trường hợp và đa số các nghiên cứu đều được hỗ trợ kinh phí bởi nhà trường hoặc các tổ chức, công ty liên quan.

Một số điểm đặc biệt
  1. Học sinh bậc Trung học đã được làm quen với việc tự do lựa chọn những môn học không bắt buộc (Elective courses) song song với các môn bắt buộc (required/core classes). Ngoài ra, học sinh có thể đăng kí theo học các môn nâng cao AP (Advanced Placement) – nội dung tương đương với các lớp nhập môn hoặc cơ bản tại chương trình ĐH năm nhất.
  2. Lưu ý rằng ở Mỹ, “college” không có nghĩa là Cao đẳng, bởi các trường College hệ 4 năm ở Mỹ cũng tương tự như các University – được phép tổ chức giảng dạy các chương trình Đại học cấp Bằng Cử nhân. Sự khác biệt duy nhất ở College và University là University có thể giảng dạy và nghiên cứu bậc Sau ĐH còn College thì chỉ được phép cấp bằng ĐH trở xuống.
  3. Nền giáo dục ĐH Mỹ còn có điểm đặc biệt về mô hình giáo dục khai phóng (Liberal Arts). Nội dung đào tạo của mô hình này là sự kết hợp kiến thức liên ngành trải dài từ các môn học thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn (ngôn ngữ, lịch sử, tâm lý…) với các nhóm ngành khoa học và tự nhiên (thiên văn học, sinh học, vật lý…)